Cây vọng cách còn có tên cách núi, cây cách, có tên khoa học là Premna corymbosa Rottl. Ex Willd., họ cỏ roi ngựa (Verbenaceae), là cây vừa làm cảnh, vừa làm rau gia vị, vừa làm thuốc.
Rau vọng cách là thứ lá quen thuộc trong các bữa ăn của nhiều gia đình nhà nông ở nước ta, đặc biệt trong các bữa cơm có đồ ăn sống như gỏi cá, tôm, bánh xèo…với mùi hăng rất lạ nhưng khi kết hợp với món ăn lại tạo ra hương vị rất đặc trưng.
Vì dáng cây, đặc biệt là dáng cành của cây vọng cách rất đẹp, dễ tạo dáng uốn lượn, lá cây vọng cách hầu như xanh quanh năm, màu sắc và dáng của ngù hoa đã tạo ra một loại cây cảnh sáng giá, được nhiều người ưa chuộng.
Cây vọng cách thuộc loại cây gỗ nhỏ, chỉ cao khoảng 2 – 7m. Cành non vuông, đôi khi có gai hoặc lông mịn. Cành già nhẵn, màu hơi nâu, có rãnh, có lỗ bì. Lá mọc đối, hình trái xoan, dài 14 -16cm, rộng 10 – 12cm, đáy tròn hay hơi hình tim, mặt trên lá nhẵn bóng, mặt dưới có lông mịn trên các gân, mép lá nguyên hoặc hơi khía răng ở phía đầu lá. Khi vò, lá có mùi hăng hắc đặc biệt. Cụm hoa cây vọng cách mọc ở đầu cành thành ngù dài 12 – 20cm, có lông mịn, hoa nhỏ màu trắng hay lục nhạt. Tràng có lông ở mặt ngoài, ống hình trụ. Quả hạch hình cầu hay hình trứng, khi chín có màu đen. Ở nước ta, Cây vọng cách có ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ, Trung du và Tây Nguyên…; hiện được trồng nhiều ở Nam Định, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình… Cây vọng cách có tới 15 loài, trong đó có 4 – 5 loài được dùng làm thuốc, thu hái lá quanh năm, tốt nhất là vào vụ xuân – hè, phơi khô, bảo quản để dùng dần.
Theo y học cổ truyền, lá cây vọng cách có vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh can sáng mắt, tiêu độc, bổ can, tỳ, thông kinh, hoạt lạc, tán kết ứ, giảm sốt, lợi sữa, lợi tiểu, lợi tiêu hóa.
Không chỉ quen thuộc trong các bữa ăn, lá cây vọng cách có nhiều tác dụng chữa bệnh, đặc biệt là bệnh về gan và đường tiêu hóa do bia rượu. Theo kinh nghiệm dân gian khi ăn đồ sống, hay uống bia rượu nhiều mà ăn cùng với lá Vọng cách thì hạn chế được các bệnh về đường tiêu hóa, các bệnh về gan mật.
Lá cây vọng cách còn được người dân ở vùng Nam Định dùng để chữa lỵ, tiểu tiện khó, tiêu hóa kém, viêm gan. Rễ dùng chữa đau bụng, ăn không tiêu, sốt, chữa bệnh về gan, tiểu đường… Ở Indonesia, người ta cũng sắc lá vọng cách làm thuốc lợi sữa và chữa thấp khớp. Ở Malaysia, nước sắc lá và rễ dùng hạ sốt. Ở Ấn Độ, rễ vọng cách được dùng để nhuận tràng, lợi dạ dày, trợ tim, nước sắc cây non trị thấp khớp, đau dây thần kinh…
Sau đây là một số cách dùng cây vọng cách làm thuốc:
- Dùng lá bánh tẻ làm gia vị, ăn cùng với nem, chạo,… để tạo cảm giác vừa đắng nhẹ vừa thơm ngon, lại có tác dụng đề phòng đau bụng, sôi bụng, tiêu chảy.
- Đau bụng lỵ, đau quặn bụng, nhất là khi đại tiện: lấy 40g lá tươi, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt, uống ngày 2 lần, trước bữa ăn khoảng 1 giờ. Uống hằng ngày đến khi các triệu chứng thuyên giảm. Cũng có thể lấy lá khô (20-30g), 20g cỏ sữa, sắc uống hằng ngày. Trẻ em, tùy tuổi giảm lượng, có thể pha thêm chút đường cho dễ uống.
- Viêm gan vàng da: lá cây vọng cách 40g, nhân trần 50g, diệp hạ châu 20g, cam thảo 12g. Sắc uống ngày 1 thang, uống vài tuần lễ, tới khi các triệu chứng thuyên giảm.
- Phụ nữ sau sinh, da bị vàng, kém ăn: lá vọng cách, nhân trần, lá cối xay mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
- Tắc tia sữa: lá cây vọng cách hoặc phối hợp với lá bồ công anh mỗi thứ 30 – 40g, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt cho uống. Bã đắp ngoài, ngày 1 lần. Làm nhiều ngày tới khi các triệu chứng thuyên giảm.
- Sau khi sinh ít sữa hoặc các trường hợp tiểu tiện khó khăn: lá cây vọng cách 30g, sắc uống hoặc phối hợp với thông thảo 12g, sắc uống ngày 1 thang, tới khi các triệu chứng thuyên giảm.